Một số nguyên tắc khi sử dụng côn nhị khúc
1. Nguyên tắc Nhất thể: Đây là nguyên
tắc quan trọng nhất khi sử dụng côn nhị khúc. Theo đó, côn và người sử dụng nó
phải hòa nhập thành một. Côn nhị khúc là sự nối dài của cánh tay. Sự hợp nhất
này giúp tăng cường khả năng kiểm soát và điều khiển côn theo ý muốn của người
sử dụng.
2. Nguyên tắc Âm dương: côn nhị khúc
là một binh khí thể hiện cả sự vận hành của nguyên tắc (triết lý, tư tưởng) âm
dương khi sử dụng. Điều quan trọng là người sử dụng tìm ra sự giao hòa âm dương
(thả lỏng và trương cơ) trong tất cả các chiêu thức mà mình đã tập luyện. (Nếu
chưa phát hiện được điều này sẽ làm người tập rất mau mệt mỏi – vì phải trương
cơ liên tục).
3. Nguyên tắc Cương quyết và dứt
khoát: Trong mọi kỹ thuật của côn nhị khúc đều yêu cầu người sử dụng
chúng phải thực hiện động tác ấy thật cương quyết và dứt khoát. Điều này làm
tăng tính mạnh mẽ trong kỹ thuật và thần khí khi thực hiện các bài tập luyện về
côn nhị khúc.
4. Nguyên tắc Đẳng thế: Như trên đã
nói, côn nhị khúc là sự nối dài của cánh tay, do đó, việc sử dụng đôi tay thuần
thục không có nghĩa là trọng tâm cơ thể (vùng rốn) phải trồi sụt, lắc lư. Tương
tự như bộ môn khiêu vũ, hông và vai người sử dụng côn nhị khúc phải thẳng,
không được uốn éo, nhấp nhô. Vi phạm nguyên tắc này, bên cạnh việc vi phạm
nguyên tắc “nhất thể”, nó còn làm cho người xem có cảm giác mệt mỏi, làm mất
tính thẩm mỹ và nghệ thuật của côn nhị khúc.
Ngoài ra, người sử dụng côn nhị khúc còn phải lưu ý đến một
số nguyên tắc của vật lý học như lực ly tâm (cánh tay đòn), phản
lực; điểm tập trung lực, sự hợp lực, sự triệt tiêu lực và tính liên hoàn,
nguyên tắc khống chế côn nhị khúc, phương pháp xử lý khi va chạm côn nhị khúc
trong tập luyện và thi đấu.